Tại sao tình trạng hạ canxi máu gây ra cơn tetani
Hạ canxi huyết được định nghĩa là nồng độ canxi huyết thanh < 2,2 mmol/L với nồng độ protein huyết tương bình thường, hoặc nồng độ canxi ion hóa huyết thanh < 1,17 mmol/L. Cơn tetani là hậu quả của hạ canxi huyết nặng (canxi huyết thanh < 1,8-1,9 mmol/L) hoặc hạ ion canxi huyết thanh mà không hạ canxi máu (ion canxi huyết thanh < 1,1 mmol/L), với các triệu chứng:
· Các triệu chứng cảm giác như dị cảm vùng quanh mắt và gan bàn chân bàn tay. Những triệu chứng trên có thể gây kiềm hô hấp do tăng thông khí và làm nặng thêm sự dị cảm
· Các triệu chứng vận động bao gồm cứng cơ, vụng về, đau cơ, co cơ và chuột rút. Ở tay, ngón cái có xu hướng khép, gấp các khớp bàn ngón, gấp cổ tay và duỗi ngón tay. Co các cơ hô hấp và lưỡi có thể gây tím tái
· Các triệu chứng hệ thần kinh tự động như tăng tiết mồ hôi, co thắt khí quản và co thắt đường mật
Dấu hiệu Trosseau và dấu hiệu Chvostek là các dấu hiệu gợi ý nguy cơ xảy ra cơn tetani.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cơn tetani? Các nhà khoa học đã thực hiện các nghiên cứu và giải thích được hiện tượng này. Cụ thể, sự giảm canxi cấp dẫn đến tăng kích thích thần kinh cơ ngoại vi. Một nghiên cứu thực hiện đo điện cơ đã chỉ ra người bệnh có cơn tetani có sự giải phóng liên tục các xung điện tần số cao chỉ sau một kích thích. Sự hưng phấn quá mức của các nơ-ron ngoại biên là nguyên nhân chính gây ra cơn tetani ở người hạ canxi huyết. Ngoài ra, sự hưng phấn quá mức này còn gặp ở các vị trí khác của hệ thần kinh như đĩa vận động, các phản xạ tủy và hệ thần kinh trung ương, cũng góp phần vào hiện tượng cấp cứu nói trên.