Ta tự hỏi là tại sao thể người lại có phản ứng thải trừ khi ghép tạng? Làm thế nào để hạn chế phản ứng thải ghép cấp? Hãy cùng mình đi tìm hiểu và giải đáp thắc mắc này nhé.
Thải ghép hay còn gọi là thải trừ trong ghép tạng là một quá trình trong đó hệ thống miễn dịch của người nhận cấy ghép từ chối, tấn công phá hủy cơ quan hoặc mô được cấy ghép.
Có 3 cấp độ thải ghép:
+ Thải bỏ tối cấp: Tình trạng này thường ít gặp nhưng nếu xảy ra thì thường là ngay lập tức sau khi ghép, nhanh đến mức mô ghép chưa kịp hình thành các mạch máu tân tạo. Phản ứng tối cấp xảy ra là do trong huyết thanh của vật chủ có sẵn các kháng thể đặc hiệu với các kháng nguyên của mô ghép. Phức hợp kháng nguyên – kháng thể được hình thành sẽ hoạt hóa hệ thống bổ thể gây ra thâm nhiễm bạch cầu trung tính vào trong mô ghép. Một phản ứng viêm cấp tính sẽ dẫn đến hình thành các cục máu đông (huyết khối) rải rác trong các mao mạch làm tắc dòng máu, ngăn cản việc sinh các mạch máu trong mô ghép, vì vậy mô ghép sẽ bị hoại tử nhanh chóng.
+ Thải bỏ cấp: Phản ứng thải bỏ mô ghép khác gene cùng loài được xem như là thải bỏ cấp khi xuất hiện trong tuần đầu tiên đến 3 tháng sau ghép.
+ Thải bỏ mạn tính: Thải ghép được xem là thải bỏ mạn tính khi xảy ra nhiều tháng hay nhiều năm sau ghép. Trước đó cơ thể thường có các thải bỏ cấp tính. Thông thường khó có thể điều chỉnh được phản ứng thải bỏ mạn tính bằng các thuốc ức chế miễn dịch mà thường phải tiến hành ghép lại.
Nguyên nhân cơ chế thải ghép là khi có tác nhân lạ xâm nhập, cơ thể sẽ tạo ra một đáp ứng miễn dịch. Có 2 loại gồm đáp ứng miễn dịch dịch thể (tạo các kháng thể trung hòa vật lạ) và đáp ứng miễn dịch tế bào (tạo các tế bào miễn dịch đến tiêu diệt vật lạ). Vật lạ được nhận diện qua các dấu ấn bề mặt gọi là kháng nguyên. Trong trường hợp 2 người có quan hệ huyết thống càng gần thì kháng nguyên bề mặt của tế bào càng ít khác biệt, khác loài thì mức độ khác biệt càng lớn. Khi ghép tạng, cơ thể người được ghép có khả năng tạo ra những phản ứng thải trừ mô ghép do hệ miễn dịch nhận định bộ phận cấy ghép là “tác nhân lạ”.
Phản ứng thải trừ trong ghép tạng có thể được hạn chế bằng cách xác định độ tương tự phân tử giữa người cho và người nhận, sau khi cấy ghép thì sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn cản sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc để ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể thì cũng giống như đang ngăn cản hệ thống phòng thủ bệnh tật của con người, do đó, sau khi cấy ghép cần phải theo dõi để dung hòa giữa hai vấn đề này. Xác định độ tương hợp trong ghép tạng giữa người cho và người nhận bằng cách tiến hành định tuýp kháng nguyên HLA, xác định 3 nhóm kháng nguyên HLA-DR, HLA-A, HLA-B sao cho càng gần giống nhau càng tương hợp. Tiến hành đọ chéo và xác định trạng thái tiền mẫn cảm của người nhận, nếu có phản ứng thải trừ mô ghép xảy ra thì việc ghép tạng sẽ thất bại.